Kiệt tác đậm màu u tối phá vỡ các ranh giới của dòng nhạc rock.
52
Với album đầu tay Appetite for Destruction phát hành vào năm 1987, Guns N’ Roses đã sử dụng chất nhạc u tối để thẳng thắn phơi bày các mặt trái (thậm chí là tiêu cực nhất) của cuộc sống. Các ca khúc về đề tài ma túy không còn tập trung vào cảm giác thăng hoa, mà thay vào đó là việc đánh mất nhận thức (“Mr. Brownstone”, “Nightrain”). Các bài hát về tình dục không chỉ đơn thuần lột tả sự kết nối về mặt thể xác mà còn đề cao đến sức mạnh của nó (“Anything Goes”). Còn khi đề cập đến thành phố phồn hoa, Guns N’ Roses lại mang đến bầu không khí u tối, buồn bã thay vì gợi lên cảm giác phấn chấn, vui tươi (“Paradise City”). Và rồi, lúc giai điệu ballad được cất lên, ban nhạc khiến người nghe phải tự hỏi mình rằng, những xúc cảm trong sáng ấy có thật sự tồn tại hay không (“Sweet Child o’ Mine”).
Ở thời điểm đó, Guns N’ Roses xuất hiện như một làn gió mới, hoàn toàn khác biệt so với phong cách pop-metal đang thống trị các bảng xếp hạng và sóng phát thanh, giống như cách mà The Rolling Stones từng tạo dựng chỗ đứng riêng trong làn sóng các ban nhạc pop ở đầu thập niên 60. Appetite không chỉ đuổi kịp thành tích về mặt thương mại của các nhóm nhạc đình đám mà thậm chí còn vượt qua họ, tạo tiền đề cho một phong cách âm nhạc gai góc, nổi loạn hơn. Chính điều này đã đặt nền móng cho sự bùng nổ của dòng nhạc grunge trong vài năm sau đó. Nếu như một số ban nhạc khác lựa chọn các giai điệu phóng khoáng để gợi lên cảm giác tự do, thoải mái, thì Guns N’ Roses lại biến nó trở thành thứ âm nhạc gai góc và có phần “đáng sợ”.
“Tôi đoán đây là thể loại hair metal, hoặc tương tự như vậy. Nhưng đối với tôi, album này đã hoàn toàn vượt khỏi khuôn khổ của thể loại đó. Dường như tất cả các ban nhạc khác đang cố gắng tạo ra một tác phẩm giống như vậy.”