Giai điệu funk lôi cuốn thể hiện quan điểm sắc sảo về vấn đề chính trị.
44
Innervisions được coi như album mang thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp của Stevie Wonder. Đĩa nhạc này không chỉ phơi bày nhiều vấn đề nhức nhối như nghiện ngập, phân biệt chủng tộc, sự dối trá, mà còn lên án những người theo đạo Cơ đốc có thái độ hời hợt. Tuy nhiên, điều khiến album này trở nên đặc biệt chính là âm hưởng funk sôi động và cuốn hút. Stevie đã tự mình chơi nhạc cụ và sản xuất hầu hết các ca khúc trong album, đưa âm nhạc của mình chạm đến đỉnh cao mới, đồng thời thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Chỉ bằng cách khơi gợi và trêu đùa với cảm xúc của bạn, Stevie sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại sức hút khi đắm chìm vào âm nhạc của anh ấy.”
Nếu như ca khúc soul mang hơi hướng opera “Living for the City” vẽ nên bức tranh về cuộc sống chốn thành thị kham khổ của người lao động da đen sau cuộc cách mạng Black Power, thì bản nhạc chậm rãi khép lại album “He’s Misstra Know-It-All” lại vạch trần những kẻ lợi dụng tầng lớp yếu thế trong xã hội, bao gồm cả vị tổng thống sắp từ chức Richard Nixon. Bên cạnh đó, Stevie còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự tái sinh thông qua “Higher Ground”. Ca khúc sử dụng tiếng đàn clavinet và tiếng bass của nhạc cụ Moog, tạo nên bầu không khí nhẹ nhàng, thanh tao. Innervisions đã đưa Stevie Wonder trở thành một trong các nghệ sĩ nổi bật và truyền cảm hứng nhất của nền âm nhạc đại chúng của Mỹ ở thập niên 70. Album không chỉ là lời tạm biệt với chủ nghĩa lý tưởng ở cuối thập niên 60, mà còn mở ra nhiều hướng đi mới cho các thể loại âm nhạc đề cao giá trị về tinh thần.